Giải ngân vốn XDCB cuối năm: Thách thức không nhỏ  
Quay lại Bản in Yahoo
Với số vốn phải giải ngân bình quân mỗi tháng lên đến khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ là cơ hội để có thêm việc làm, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng đồng thời cũng là nỗi lo không nhỏ của các chủ đầu tư, nhà thầu trong ngành GTVT, bởi thời gian còn lại rất ít và vốn giao năm nay muộn hơn thường kỳ.

Trong 9 tháng vừa qua, tổng số vốn giải ngân của ngành GTVT vào khoảng hơn 22.500 tỷ đồng. Có nghĩa là bình quân mỗi tháng giải ngân được khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách, ODA rất khả quan và hầu hết đều vượt xa kế hoạch.
Để đạt được kết quả này là nỗ lực lớn của các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu và các cơ quan, đơn vị chức năng ngành GTVT. Bởi trong suốt những năm vừa qua, vốn dành cho XDCB giao thông rất khó khăn, cấp nhỏ giọt và thường xuyên không đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, nhiều nguồn vốn, trong đó có trái phiếu Chính phủ phân bổ rất chậm so với mọi năm.

Các chủ đầu tư, nhà thầu cần nỗ lực để thực hiện giải ngân vốn XDCB những tháng cuối năm.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT), 3 tháng còn lại của năm 2012, nhiệm vụ thực hiện và giải ngân của các chủ đầu tư, nhà thầu còn nặng nề hơn nhiều. Theo tính toán, bình quân mỗi tháng còn lại của quý IV sẽ phải thực hiện và giải ngân đến khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước giao đầu năm còn 1.164 tỷ đồng chưa giải ngân.

Theo quy định, tính đến 31/12/2012 khối lượng phải hoàn thành, nghiệm thu, lên phiếu giá phải lớn hơn hoặc bằng số vốn còn lại chưa giải ngân mới được thanh toán. Như vậy, để không bị mất vốn, bình quân mỗi tháng phải thực hiện và giải ngân khoảng 388 tỷ đồng. Vốn ứng trước kế hoạch cũng còn 3.500 tỷ đồng chưa giải ngân. Theo quy định về thời gian, để không bị mất vốn, bình quân mỗi tháng phải thực hiện và giải ngân 1.167 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, riêng vốn giao đầu năm còn 3.489 tỉ chưa giải ngân. Cũng theo quy định thời hạn giải ngân đến 30/4/2013 thì để không bị mất vốn, bình quân mỗi tháng phải thực hiện và giải ngân khoảng 498 tỷ đồng. Vốn ứng trước kế hoạch cũng còn hơn 5.747 tỷ đồng chưa giải ngân nên bình quân mỗi tháng phải thực hiện và giải ngân khoảng 1.920 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hoằng, rõ ràng với số vốn trên thì thách thức sẽ đặt ra không nhỏ cho các chủ đầu tư, nhất là trong bối cảnh vốn trái phiếu năm nay giao chậm, thực tế cuối tháng 5/2012, Bộ Tài chính mới thông báo để Kho bạc Nhà nước cho giải ngân nên nhiều dự án phải chờ vốn không tranh thủ được thời tiết thuận lợi những tháng đầu năm, làm chậm tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, do thực hiện Chỉ thị 1792, việc rà soát xác định rõ các dự án tăng quy mô để giao kế hoạch của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đã kéo dài và đến nay chưa giao được kế hoạch còn thiếu so với dự kiến cũng gây ra nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện. Ngoài ra, công tác GPMB tại nhiều địa phương còn chậm, chi phí đền bù GPMB tăng cao, trong khi nguồn vốn bố trí còn hạn chế, đặc biệt một số dự án có vốn GPMB dùng nguồn trái phiếu Chính phủ cũng sẽ ảnh hướng lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân công trình.

Theo báo cáo của Vụ KHĐT (Bộ GTVT), vốn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2012 dự kiến thực hiện 11.021/7.959 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt 138,5%, giải ngân 10.819, đạt 136% kế hoạch. Vốn nước ngoài các dự án ODA dự kiến thực hiện 7.966,5 tỷ đồng, đạt 208,7%, giải ngân 7.842,3, đạt 205,4% kế hoạch.

Vốn đối ứng dự kiến thực hiện 1.826,3 tỷ đồng, đạt 71,2%, giải ngân 1.695, đạt 67% kế hoạch giao. Các dự án trong nước dự kiến thực hiện 9 tháng 1.228,2 tỷ đồng kế hoạch giao, giải ngân 1.281,5, đạt 80,2% kế hoạch.
Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến 9 tháng khối lượng thực hiện đạt khoảng 6.584/9.406,3 tỷ đồng, đạt 70%; giải ngân 5.917 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch giao. Các dự án ngoài ngân sách, khối lượng thực hiện đạt 6.301,2 tỷ đồng, giải ngân đạt 5.454 tỷ đồng.

 
Tác giả bài viết: Theo GTVT
Cập nhật: 18/12/2012
Lượt xem: 5613
Lên trên